Chiếc áo không làm nên thầy tu
Tối qua khi ngồi đọc Nguyễn Ngọc Tư, tôi ấn tượng mãi cảnh người đàn ông năn nỉ sư thầy cho gã xuống tóc trong truyện ngắn “Củi mục trôi về” và nhân vật sư thầy trong truyện nói:
- – “Nhìn vậy chứ không phải vậy”.
Còn nữ chính trong truyện thốt lên:
- – Sao ai cũng đi tu hết vậy?!
Mà thực tình cả người xuống tóc và sư thầy kia nào có tu được, lòng họ vẫn chòng chành, chao chác trước những biến cố của đời sống, trong câu nói họ vẫn chửi mặn, trong suy nghĩ họ vẫn le lói nếu mình không đi tu thì… Đọc xong tôi giật mình nghĩ về câu chuyện sớm qua lướt xem trên mạng, một cô hoa hậu hấp tấp ra tự truyện để trở thành chủ đề cho các trang báo mạng và nhiều nền tảng mạng xã hội bàn tán. Đứng ở góc độ là một kẻ bán chữ phục vụ các mục tiêu marketing cho doanh nghiệp, và người nổi tiếng, tôi hiểu ngọn nguồn câu chuyện cô hoa hậu nọ xuất bản sách. Còn xét về góc độ chuyên môn viết lách thì tôi khó lòng chấp nhận một đầu sách như thế trên thị trường để giật mình tự hỏi chắc cô này và cả ekip của cô chưa đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư rồi.
Hay trong lần trò chuyện gần nhất của tôi với một đàn anh, anh chia sẻ:
- – Anh cứ nói anh giỏi, thế thì tôi muốn thấy sản phẩm của anh. Sản phẩm là thứ phản ánh tất cả.
Tôi hoàn toàn đồng tình vì vốn dĩ công việc của tôi liên quan tới marketing, và thứ tôi quan tâm trong công việc marketing là phải bán được hàng bởi “nguyên tắc của marketing là thế”. Còn cứ tạo ra mớ sản phẩm hỗn độn rồi không bán được hàng thì chỉ là rác thôi. Lang thang từ chuyện nọ tới chuyện kia, não bộ nhắc nhớ tôi về câu chuyện hôm trước, có người nói với tôi rằng:
- – Giờ nghỉ rồi không ai để ý đâu.
- – Nhưng có những thứ còn mãi với thời gian. – Tôi đáp lại.
- – Những tác phẩm. Dẫu mai này có chết người ta vẫn hát ca khúc của mình. – Anh nói vậy.
Quả đúng vậy, con người ta khác nhau bởi điều gì, nhận dạng ngoại hình, vóc dáng ư? Tôi không nghĩ thế? Thứ để nhận diện một con người nằm ở giá trị người đó tạo ra. Còn chức vụ chỉ là thứ danh xứng, nó là một thứ áo dạ hội để mỗi người ở mỗi độ tuổi khác nhau sẽ có kiểu trang phục phù hợp cho năng lực và nỗ lực nhất định. Nhưng khi buông hết mọi thứ đó thì thứ gì để đo lường chính xác nhất? Kiểu như nhắc tới tên một ai đó, người nghe phải nhắc tới họ về cả sản phẩm họ tạo ra, đó mới gọi là giá trị của bản thân. Và trong ngành tôi đang làm việc hiện nay gọi là “thương hiệu cá nhân”. Hì, tôi thấy mình mắc bệnh nghề nghiệp cả khi viết văn. Một chức vụ cao chỉ đồng nghĩa bạn đang thực thi nhiệm vụ cho một cộng đồng, một tập thể, tổ chức nhưng nó mãi là một chức vụ sẽ được chuyển giao từ người này sang người khác theo nhịp quay của thời gian. Một chức vụ, chức danh không giúp bạn oai vệ suốt một đời, mà chỉ sản phẩm bạn tạo ra từ chức vụ, chức danh đó mới giúp bạn lan tỏa được giá trị tích cực. Tương tự một cuốn sách không giúp bạn nổi tiếng mà chỉ có cuốn sách hay mới giúp bạn lan tỏa được giá trị tích cực, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, cá nhân thành công. Bởi vốn dĩ chiếc áo không làm nên thầy tu.
NNN